Tháng Tư 25, 2024

Hiệp hội Blockchain và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thỏa thuận triển khai các hoạt động gỡ khó khi áp dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính, hôm 26/10.

Để gỡ các vướng mắc trong ứng dụng blockchain, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký kết hợp tác với Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính” diễn ra tại Hội trường Ngân hàng Nhà nước hôm 26/10.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng hai bên cần triển khai sớm những nội dung cam kết để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp cùng với các trường học như ĐH Ngân hàng TP HCM nhằm xây dựng chương trình đào tạo về blockchain để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.

Hiệp hội Blockchain và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hợp tác để phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ảnh: VBA

Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết hội thảo lần này là khởi điểm để nhìn nhận mặt tích cực lẫn tiêu cực của blockchain để từ đó những đơn vị, nhà làm chính sách, nhà phát triển ứng dụng có thể đưa những giá trị thực tế của công nghệ vào cuộc sống và cùng giải quyết bài toán trực tiếp của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hội thảo, cả hai hiệp hội đã thống nhất các mục tiêu nối dài hoạt động nghiên cứu, cố vấn về các ứng dụng blockchain trong ngành tài chính và góp phần tuyên truyền, quảng bá thông tin đúng đắn về công nghệ này. Đồng thời, hai hiệp hội sẽ cùng nhau tham vấn để hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng công nghệ blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.

Đại diện các ngân hàng lớn tại Việt Nam như HSBC, Vietcombank, TPBank cũng có những thảo luận xoay quanh vấn đề ứng dụng blockchain trong ngành tài chính ngân hàng tại hội thảo. Các ngân hàng đa số đều đồng ý blockchain là công nghệ tương lai, giúp ích rất nhiều cho hoạt động của ngân hàng.

Lấy ví dụ, HSBC cho biết đã ứng dụng Thư tín dụng (Letter of credit – L/C) từ những năm 2019. Thời gian một bộ hồ sơ L/C được xử lý thành công theo mô hình truyền thống phải mất 5-10 ngày, nhưng khi ứng dụng blockchain chỉ mất một ngày. Từ đó, ngân hàng tăng năng suất lao động, giảm bớt thời gian xử lý giấy tờ. HSBC vẫn đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm này.

Đại diện HSBC chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng blockchain. Ảnh: VBA
Đại diện HSBC chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng blockchain. Ảnh: VBA

Trong khi đó, Vietcombank là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam ứng dụng thành công blockchain trên nền tảng Ngân hàng số VCB Digibank, phát triển dịch vụ VCB Rewards – chương trình tri ân dành cho khách hàng cá nhân. Nhờ vào công nghệ blockchain, toàn bộ quá trình tích điểm và đổi quà được lưu trữ, cập nhật tự động trên VCB Digibank, cho phép khách hàng chủ động tra cứu lịch sử tích điểm và thực hiện đổi quà. Hiện tại, Vietcombank cũng đang nghiên cứu mở rộng ứng dụng blockchain, hợp tác với các công ty Fintech.

Bên cạnh lợi ích, ứng dụng blockchain vẫn còn nhiều bất cập. Vietcombank cho rằng khuôn khổ pháp lý là một rào cản lớn khiến việc triển khai công nghệ blockchain tại các ngân hàng thương mại vẫn mang tính chất thí điểm. Việt Nam chưa có quy định rõ ràng cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành.

Đại diện Vietcombank (trái) chia sẻ về những rào cản khi ứng dụng blockchain. Ảnh: VBA
Đại diện Vietcombank (trái) chia sẻ về những rào cản khi ứng dụng blockchain. Ảnh: VBA

Bên cạnh đó, còn những rào cản về chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng công nghệ, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin. Các nền tảng blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng chuỗi khối gặp nhiều thách thức.

Chưa kể, vấn đề về khả năng mở rộng mạng lưới giao dịch, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Các chuyên gia nhận định chỉ khi nào mạng blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.

Đại diện TPBank cho rằng các đơn vị nên chủ động thay vì chờ đợi đến khi pháp lý hoàn thiện mới bắt đầu nghĩ đến blockchain. “Chúng tôi luôn sẵn sàng về mặt công nghệ và đã nghiên cứu sẵn một số bài toán cho đến khi cơ sở pháp lý được hoàn thiện hơn, đại diện TPBank chia sẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc triển khai blockchain không nên theo trào lưu mà luôn phải có bài toán thực tế và phải mang lại hiệu quả cho việc kinh doanh trên nền tảng số, kết hợp và khai thác cùng đối tác, chủ động nghiên cứu công nghệ theo lộ trình hợp lý. Trong đó, muốn triển khai các yêu cầu mang tính thực tế, có hiệu quả cao, cần phải đào tạo nhân sự, đầu tư nghiêm túc vào ứng dụng blockchain, vào nghiệp vụ ngân hàng cụ thể.